Lược sử thiết kế và trang bị của RPK: 1959-1961 RPK

Kỹ sư Simonov của Liên Xô thiết kế ra được súng carbine bán tự động SKS vào năm 1945. Đây là khẩu súng đầu tiên của Liên Xô hoàn thiện thiết kế trên cơ sở đạn hỏa lực trung bình (ngày nay được gọi là đạn súng trường tiến công). Khẩu súng sau đó đưa vào phiên chế thay thế các súng trường chiến đấu Mosin-Nagant M91/30SVT-40 trong vai trò súng trường chiến đấu tiêu chuẩn. Súng gọn hơn, nhẹ hơn, sử dụng đạn 7,62×39mm M43 mới thiết kế, khả năng xuyên và độ chính xác vừa phải, phù hợp với chiến tranh hiện đại (vào thời điểm đó), sức giật nhẹ hơn các loại đạn súng trường chiến đấu tiêu chuẩn như 7,62x54mmR hay 7,92x57mm IS.

Liền sau đó là sự ra đời của RPD do Degtyaryov thiết kế năm 1944, cũng dùng đạn 7,62×39mm M43. RPD là súng máy áp dụng cơ cấu tiếp đạn bằng dây băng như các súng máy đa năng và súng máy hạng nặng, nhưng do dùng đạn 7,62x39mm nên nhẹ hơn các súng máy hạng nhẹ cùng thời dùng hộp tiếp đạn lò xo 20-30 viên. Súng vẫn bảo đảm khả năng bắn chế áp tiêu diệt hiệu quả tới 600m như các súng máy dùng đạn súng trường chiến đấu. RPD đã bước đầu thay thế súng máy DP trong vai trò hỏa lực bắn thẳng tự động của tiểu đội. Việc thay thế hai súng này được tiến hành ngay sau chiến tranh.

SKS và RPD đã đưa Hồng quân Xô Viết tiến thêm một bước so với các quân đội khác lúc đó vẫn đang dùng đạn súng trường chiến đấu tiêu chuẩn. SKS là súng carbine bán tự động, tốc độ bắn thực cao hơn súng trường chiến đấu bán tự động do sức giật nhẹ, có khả năng tác xạ chính xác tầm xa vượt giới hạn ngắm hiệu quả 300m của binh sĩ thông thường. RPD nhiều đạn cung cấp hỏa lực bắn thẳng tự động dày đặc không thua kém MG-34 của Đức, nhưng nhẹ hơn, cơ động hơn. Tuy nhiên, khả năng "xung kích" chủ yếu vẫn do các loại súng ngắn liên thanh như PPSh-41PPS-43 đảm nhiệm.

Súng trường tiến công AK-47 của Kalashnikov ra đời và đi vào phiên chế với tham vọng thay thế cả súng ngắn liên thanh và súng trường, trở thành súng bộ binh chủ lực, với ưu thế kết hợp cả hai loại, nâng sức chiến đấu của đội hình bộ binh Liên Xô lên rất cao. Ngoài ra, việc trang bị một bộ xung hỏa lực đa năng dùng chung đạn cũng làm giảm gánh nặng hậu cần và các vấn đề thiếu hụt liên quan. Đây là thời điểm 1949-1956, khi bên ngoài Liên Xô vẫn áp dụng concept trang bị súng ngắn liên thanh-súng trường chiến đấu.

Mặc dù vậy, bộ xung hỏa lực AK-47 – RPD lại đặt ra vấn đề về khả năng bắn ngắm mục tiêu xa không đảm bảo vì tầm bắn hiệu quả của AK-47 lúc đó thấp hơn của SKS, chỉ đạt 250m, về sau khi cải tiến chất lượng nòng mới đạt 300m. Khả năng giới hạn của AK làm khẩu súng không được binh sĩ tin tưởng. Binh sĩ Liên Xô đã từng trải qua chiến tranh hiểu rõ tầm bắn chính xác 250m của AK-47 có thể thất thế trước các súng trường chiến đấu, như các đơn vị xung kích Đức trong trận Stalingrad, trang bị phần lớn là MP-40. Họ bộc lộ từ xa và bị quân Liên Xô tiêu diệt bằng súng trường chiến đấu và súng máy. Trang bị hoàn toàn AK-47 do đó là không hoàn thiện. AK-47 vẫn còn nằm trong phân loại súng tự động cá nhân (avtomat) cùng PPSh-41, và chỉ được trang bị thay thế PPSh-41 ở các đơn vị xung kích chuyên đánh ác liệt tầm gần tương tự như Stoßtruppen của quân Đức thời Thế chiến II.

Năm 1959, súng máy cá nhân RPK ra đời và đi vào phiên chế nhằm giải quyết vấn đề trên. RPK sau này cũng thành công vang dội như AK-47. Súng quá nhẹ so với nhiều loại súng máy vào thời điểm đó. Đây là khẩu súng 3 trong 1: súng máy xách tay, súng trường tiến công và súng trường chiến đấu, thiết kế theo yêu cầu chiến thuật coi trọng tính cơ động của Hồng quân Liên Xô. Mặc dù có một số điểm hạn chế, nhưng RPK đã hoàn toàn thay thế cho RPD, tạo nên bộ xung hỏa lực AK-47 – RPK đảm nhiệm toàn bộ các chức năng chiến đấu của bộ xung hỏa lực cũ (súng ngắn liên thanh – súng trường chiến đấu – súng máy trợ chiến).

Nhưng những ưu thế của RPK chỉ được thể hiện khi các nhược điểm được súng máy đa năng PK bù đắp. PK do Kalashnikov thiết kế nhằm theo đuổi chương trình súng máy đa năng của Liên Xô đầu thập niên 1950 nhằm thay thế các súng máy hạng trung và hạng nặng như PM M1910, DS-39, SG-43. Sau các thử nghiệm, PK chiến thắng RP-46 của Degtyarov và PN của Nikitin. Năm 1961, súng trở thành súng máy đa năng đầu tiên được trang bị trong quân đội Liên Xô. PK dùng đạn súng trường tiến công 7,62x54mmR, nòng rời khi nóng do bắn nhiều có thể thay đổi, có thể trang bị cho một binh sĩ làm súng máy cá nhân với hộp dây băng 100 viên gắn dưới hộp máy súng, cũng như đặt trên giá súng vững chắc làm súng máy hạng trung như MG-34, MG-42, với các dây băng 200 và 250 viên. Có hỏa lực tầm xa dày đặc của PK, RPK mới có khả năng bộc lộ ưu thế hỏa lực cơ động bám sát.

Giai đoạn 1959-1961 cũng là thời điểm AKM và súng phóng lựu chống tăng RPG-7 ra đời. AKM được cải tiến nâng tầm bắn ngắm đối kháng lên 400m cùng nhiều tính năng quan trọng khác. Súng phóng lựu chống tăng RPG-7 có tầm bắn hiệu quả lên đến 300m so với 150m của RPG-2, đạn PG-7 mạnh hơn, đáng tin cậy hơn so với đạn PG-2. RPG-7 làm cự li và hiệu quả đối phó thiết giáp của tiểu đội bộ binh Liên Xô tăng lên ngang tầm súng trường, gia tăng khả năng tiến công liên tục. Đây cũng là một nhân tố thuận lợi để RPK được chấp nhận. Năm 1961, RPK cuối cùng cũng được chấp nhận biên chế chính thức cùng AKM và PK.

Giai đoạn 1959-1961 đánh dấu sự "lên ngôi" thực sự của triều đại Kalashnikov trong quân đội Liên Xô cùng RPG-7 và SVD Dragunov (được chấp nhận năm 1963).